Phản biện nhà phản biện xã hội (và một số bài liên quan)

Bài viết của Thầy Văn Như Cương và một số thầy khác, những người già uyên thâm có khác, cãi nhau ỏm tỏi nhưng đọc thấy hay và có văn hóa. Dù ta kiến thức hạn hẹp, óc tiếp thu có hạn nhưng học mót được của các thầy tí nào hay tí ấy. …

http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&CategoryID=6&News=1585
http://vietsciences.free.fr/

Gần đây Giáo sư Nguyễn xuân Hãn – người vừa được một số nhà báo phong danh hiệu “người phản biện” ngành Giáo dục- đã có nhiều bài viết, bài trả lời phỏng vấn trên báo chí và trên vô tuyến truyền hình về các vấn đề giáo dục. Và trong một bài báo về “người phản biện” nói trên, người thực hiện phỏng vấn đã viết: “kể cả những người lãnh đạo ngành giáo dục, có thể khó chịu nhưng họ phải thừa nhận những căn cứ khoa học thuyết phục mà ông đưa ra”.

Là một thầy giáo bình thường của ngành giáo dục, tôi cảm thấy những căn cứ gọi là khoa học của GS Hãn đưa ra không hoàn toàn thuyết phục (thậm chí hoàn toàn không thuyết phục). Bởi vậy tôi viết bài này để mong góp thêm ý kiến, gọi là để phản biện “người phản biện” ngành giáo dục.
Trên chương trình truyền hình gần đây, ông Hãn nói rằng cuốn sách Hình học của Euclid giống như sách Kinh thánh rồi, chỉ việc mang ra mà dạy cho học sinh phổ thông. Chỉ cần một giáo sư và mấy người giúp việc là có thể chuyển tác phẩm của Euclid thành sách giáo khoa (SGK). Thế mà, ông nói tiếp, người ta phải tốn bao nhiêu tiền nhà nước và nhân dân để phân chia Hình học của Euclid thành 40 phần khác nhau(?), chia cho mỗi nhóm tác giả viết một phần…

Có lẽ là ông Hãn đang định nói về tập “Cơ bản” của Euclid đã viết cách đây hơn 2000 năm, gồm 13 cuốn, chủ yếu nói về hình học. Tôi nói thế bởi vì ta không biết Euclid đã viết bao nhiêu cuốn sách, nhưng còn lưu lại đến nay chỉ có tập “Cơ bản” mà thôi, chứ không có cuốn Hình học nào của Euclid như ông Hãn nói.
Một người bình thường nhất cũng phải biết rằng một cuốn sách viết cách đây 2000 năm, dầu có hay đến mấy, cũng không thể bê nguyên xi để làm thành SGK được, bởi vì “hay” cũng là “hay cho thời ấy” mà thôi. Các sinh viên Khoa toán các trường ĐHSP tuy không được đọc trực tiếp cuốn Cơ bản, nhưng trong nhiều giáo trình khác (như lịch sử toán học chẳng hạn), họ được giới thiệu rất kỹ càng về nội dung của nó, và tôi cam đoan rằng không một giáo viên Toán nào ở nước ta và trên thế giới lại cho rằng nên dùng cuốn “Cơ bản” của Euclid làm SGK cho học sinh. ý kiến của ông rõ ràng không mấy thuyết phục.

Ông cho rằng viết SGK mới để thay SGK cũ là một sự lãng phí, thậm chí nhằm mục đích kiếm tiền cho ngành giáo dục từ túi của cha mẹ học sinh. Ông nói rằng những cuốn SGK của ta viết cách đây 35 hay 40 năm vẫn còn dùng được tốt. Căn cứ rất “thuyết phục” là chính ông đã học những cuốn sách ấy và ông đã thành tài. Để thêm phần thuyết phục ông đưa ra mấy cuốn SGK của ta (nước Việt Nam) về Hóa học và Vật lý viết cách đây 35 năm và các cuốn SGK của Mỹ, Nga đang hiện hành (năm 2006) và tuyên bố rằng về cơ bản là giống nhau. Nếu đúng như ông nói thì SGK chúng ta đã đi trước Mỹ, Nga đến 35 năm, và chưa biết chừng mấy ông tác giả người Mỹ người Nga ấy đã “đạo” SGK của ta 35 năm trước để làm sách bây giờ cho học sinh họ cũng nên! Tôi thật sự hoài nghi cái thông tin mà GS Hãn vừa nêu ra nên có đi hỏi một số thầy giáo môn Hóa và Lý vẫn thường xuyên tiếp xúc với SGK nước ngoài. Họ cười và nói: làm gì có chuyện như thế! Về môn Toán thì không thấy ông đưa ra cuốn sách nào của nước ngoài để so sánh mà chỉ nói rằng bộ SGK toán của ta cách đây 50 năm vẫn dùng được. Gần đây tôi có đọc bài của GS Hoàng Tụy (tác giả bộ SGK Toán 50 năm trước) thì thấy ông nói về bộ sách của mình: “Tất nhiên bộ sách giáo khoa ấy bây giờ không dùng được nữa vì tình hình đã khác" (An ninh thế giới- tháng 10-2006).

Ông Hãn tỏ ra rất bức xúc vì một số thay đổi trong chương trình. Ông đặt vấn đề tại sao phải đưa “vectơ” vào Hình học 10 và cả Vật lý 10 nữa. Ông bảo lên ĐH mới cần vectơ, nhưng cũng hạn chế vì không cần vectơ đôi khi lại giải thích các hiện tượng Vật lý một cách dễ hiểu hơn. Ông còn nói ở đơn vị nghiên cứu của ông, người ta cũng ít khi dùng vectơ.

Tôi thực sự ngạc nhiên khi ông nói như thế trên chương trình truyền hình. Xin mạn phép hỏi giáo sư: Ông sẽ biểu thị các lực tác động vào một vật như thế nào, nếu không dùng vectơ? Chẳng lẽ ông nói đại loại như: ta kéo vật đó theo phương nằm ngang với một lực có cường độ 5N và đồng thời kéo nó lên phía trên bởi một lực có cường độ 7N! ừ thì cứ cho rằng nói như thế là dễ hiểu, nhưng ông sẽ trả lời như thế nào với câu hỏi: Khi đó tổng hợp của hai lực nói trên sẽ có hướng như thế nào và có cường độ bao nhiêu? Học sinh lớp 10 dễ dàng trả lời câu hỏi trên vì họ biết rằng hợp của hai lực chính là tổng hai vectơ biểu thị cho hai lực đó, và tổng của hai vectơ được xác lập theo quy tắc hình bình hành. Lại xin hỏi thêm: Ông biểu thị các đại lượng có hướng như vận tốc, gia tốc… bằng cách gì nếu không phải bằng vectơ?
Tôi xin nói đôi lời về việc biên soạn SGK, mà tôi không may lại là người trong cuộc. Thực ra tôi không xin để được viết SGK, cũng không tự ứng cử để được làm tác giả. Vì lí do nào đó người ta mời tôi viết, và thậm chí còn mời làm chủ biên (của bộ sách Hình học nâng cao các lớp 10, 11, 12). Cố nhiên tôi có quyền từ chối, nhưng tôi lại không từ chối vì tôi nghĩ rằng mình vẫn còn có hai khả năng cần thiết: một là biết nghe phản biện, hai là biết không nghe phản biện.

Tôi rất khó hiểu khi GS Hãn nói rằng các tác giả SGK của ta không được cung cấp và không hề đọc chương trình và SGK của nước ngoài, vì thế họ không cập nhật được trình độ của thế giới. Tôi khó hiểu vì ông Hãn lấy được ở đâu cái thông tin sai sự thật như thế, hay là chính ông bịa đặt ra? Như vậy là không khoa học và không trung thực. Sự thật là chúng tôi dễ dàng tham khảo chương trình và SGK của nhiều nước, hoặc là do chúng tôi có, hoặc là mượn của Viện Chiến lược Giáo dục.

Cần nói rằng biên soạn SGK là một nghề, nhưng ở nước ta không hề có trường lớp nào đào tạo ra những người làm nghề đó. ở nhiều nước, trường Giáo dục (College of Education) không chỉ đào tạo giáo viên mà còn đào tạo các loại cán bộ làm công tác giáo dục như người soạn chương trình, người viết SGK, người ra đề thi, người quản lý giáo dục… Bởi vậy hầu như tất cả các tác giả SGK của ta đều phải vừa tự làm vừa tự nghiên cứu, và cố nhiên việc tham khảo và học tập nước ngoài cũng là điều quan trọng.

Người viết phải viết đúng chương trình quy định, phải lựa chọn sẽ trình bày những kiến thức gì, sâu nông ra sao, sắp xếp chúng như thế nào… và đó là những chuyện không dễ dàng. Phải tra cứu sách vở, phải tham khảo ý kiến đồng nghiệp, nếu cần lại phải dạy thử xem học sinh tiếp thụ như thế nào. Phải nhìn đằng sau (năm ngoái học sinh đã biết gì), nhìn đằng trước (sang năm học sinh còn được học gì), nhìn sang bên phải, bên trái (các môn học khác đã dạy cái gì)…, chứ không phải cứ đóng cửa lại mà viết.

Bản thảo xong rồi lại phải qua bao nhiêu người đọc góp ý, nhà khoa học có, nhà sư phạm có, các thầy giáo đứng lớp có. Rồi phải qua Hội đồng thẩm định lần 1, rồi sửa chữa theo ý kiến của Hội đồng, rồi thẩm định lần 2, rồi sửa chữa…

Cuối cùng, sau khi đã được một Hội đồng thẩm định xét duyệt và thông qua, bản thảo mới được đưa vào in ấn. Giai đoạn từ đây đến khi cuốn sách được sản xuất, các tác giả còn phải vật lộn vất vả với các biên tập viên của Nhà Xuất bản, với “bông” một , “bông” hai…, với bản “can”, bản sửa… Nhưng đó chưa phải là sách dùng cho đại trà, mà chỉ mới là sách thí điểm. Sau khi thí điểm, lại phải rất nhiều công việc mới có cuốn sách đại trà dùng cho toàn quốc…

Tôi hơi dài dòng một chút để nói rằng việc làm SGK không thể nhanh được, có thể vì trình độ các tác giả còn thấp, hoặc vì quy trình biên soạn quá lôi thôi. Gần đây GS Hãn đã phê phán kế hoạch thay sách theo kiểu cuốn chiếu (ông gọi là cách làm kiểu nông dân), tức là mỗi năm chỉ thay sách một lớp. Ông cho rằng cần thay sách một lúc từ lớp 1 đến lớp 12. Trả lời phỏng vấn, ông đã khẳng định rằng dứt khoát rằng: “Việc chuẩn bị và biên soạn lại Chương trình, SGK từ lớp 1 đến lớp 12 sẽ được hoàn tất và có thể triển khai ngay trong năm học tới”. (ý muốn nói rằng nếu ông làm thì sẽ như thế!). Cách đây không lâu ông nói với một nhà lãnh đạo cấp cao rằng cho ông ba tháng, ông có thể viết xong các cuốn SGK về các môn khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa… của cấp PTTH. Ông bảo rằng không có gì khó khăn rắc rối vì Toán học thì chỉ có định lý mà thôi, Vật lý thì chỉ có định luật mà thôi… Tôi có cảm giác rằng hoặc là ông đã nói đùa không đúng chỗ, hoặc là ông không biết gì về việc biên soạn SGK.

Thưa GS Hãn, tôi xin nói một cách thẳng thắn: nếu tôi làm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì tôi không mời ông viết SGK, còn nếu ông làm Bộ trưởng thì ngay lập tức tôi không viết SGK nữa.
Cuối cùng xin bàn đôi câu về tiền nong, lỗ, lãi… của nhà Xuất bản Giáo dục (NXBGD), bởi vì ngay cả các phép tính sơ cấp, ông cũng nhầm lẫn, do đó không có sức thuyết phục. Đối với vấn đề này tôi là người ngoài cuộc, nhưng thấy ông tính nhầm thì phản biện cho vui. Tôi không bênh gì NXBGD, vì họ độc quyền và trả nhuận bút cho tôi quá ít!
Ông viết: theo số liệu thống kê, có thể khẳng định rằng mỗi đầu sách khi thay mới, NXBGD có thể lãi cả triệu USD. Ông nêu ví dụ về việc in một cuốn sách lớp 1. Ông lấy số lượng học sinh lớp 1 (1,7 triệu) nhân với giá bìa cuốn sách là 9.000đ thì NXBGD thu được 15,3 tỉ đồng. Ông cho là tiền chi phí mất khoảng 1,3 tỉ đồng, vậy tiền lời là 14 tỉ đồng và thời giá lúc ấy là 1 triệu USD. Nếu quả như ông tính toán thì làm nghề xuất bản SGK lời to thật: không phải một vốn bốn lời, mà là một vốn mười một lời. Riêng cái tỉ lệ lời lỗ ấy đã khó tin, khó thuyết phục. Khi tổng hợp và thống kê ông quên mất một thứ chi phí là tiền phát hành sách: Các đơn vị nhận phát hành được hưởng từ 20 đến 25% giá in trên bìa sách, vậy thì NXB đã phải trả gần 4 tỉ cho việc phát hành, lấy đâu mà còn 14 tỉ.
Ông đưa tiếp các số liệu: năm 2001 NXBGD đã phát hành 200 triệu bản, kể từ đó đến nay mỗi năm tăng lên 10%. Dựa trên các số liệu ấy ta có thể tính toán tiếp mà không mấy khó khăn. Lượng phát hành năm 2006 sẽ là triệu bản. Theo trên cứ 1,7 triệu bản thì lời được 1 triệu USD. Như vậy ta có thể tính được số tiền lãi của năm 2006 là: 322,1:1,7=189,5 triệu USD (với giả thiết một cuốn sách lớp 12 cũng có giá bán chỉ bằng cuốn sách lớp1).
Trước đó ông viết rằng theo thống kê của Cục xuất bản thì doanh số của NXBGD mỗi năm là 100 triệu USD.
Như vậy là: doanh thu mỗi năm là 100 triệu USD, mà tiền lời mỗi năm là 190 triệu USD. Ông có thấy đó có phải là một nghịch lý không? Và nếu đó đúng là nghịch lý thật thì ông sẽ giải thích như thế nào về các thống kê và tính toán của ông?
Tôi đang viết dở bài này thì được đọc một bài của GS Nguyễn khắc Phi trên báo Giáo dục và thời đại, cũng nói về những nghịch lý trong lập luận của Tiến sĩ Hãn. Do đó tôi phải duyệt lại bài viết của mình để lược bỏ những phần mà GS Phi đã đề cập đến… Vậy xin được phép dừng tại đây.

Văn như Cương

THỰC TIỄN LÀ TIÊU CHUẨN CỦA CHÂN LÝ
(Về một số ý kiến của ông Văn Như Cương trên tạp chí Tia Sáng)
12:25:10 20/12/2006

Thưa ông Văn Như Cương
1. Quyển sách hình học Euclid mà tôi đã nói đến đúng là bộ “Cơ sở” (Elements) như ông hiểu. Nó là bộ sách kinh điển, có vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực khoa học giáo dục và sản xuất. Abraham Lincoln đã viết "Cuốn sách dạy tôi làm tổng thống là cuốn hình học Euclid" trong lời giới thiệu khi nó được xuất bản ở Mỹ. Nó được các nhà khoa học coi là kinh thánh và là tài sản trí tuệ chung của nhân loại. Nó vẫn được sử dụng làm tài liệu gốc để giảng dạy suốt 2.300 năm nay, khắp các nước trên thế giới. Với bộ sách này chỉ cần một GS giỏi và một vài cộng sự biên soạn lại trong vài tháng là được một bộ sách giáo khoa chuẩn. Tôi nói thế chẳng lẽ ông Cương không thấy đúng hay sao? Đằng này ông gán bừa là tôi đã nói: “nên bê nguyên bộ đó cho học sinh học”, rồi từ đó tranh biện như kiểu một học giả lão luyện nói chuyện với một anh mới bước vào nghề. Tôi biết ông cũng hiểu, bộ Cơ sở có giá trị là ở chỗ, nó đã tìm đúng được những “yếu tố cơ bản” của hình học, sắp xếp chúng theo một “trình tự logic và chặt chẽ”. Ai chẳng biết là hơn hai ngàn năm, trí tuệ của nhân loại đã phát triển hơn thời Euclid rất nhiều, nhưng chúng ta chỉ nên thêm vào và chắt lọc chứ không phải là đánh tráo thứ tự, thay đổi phần cốt lõi, bỏ bớt hoặc hạ thấp tính cơ bản của những gì đã có. Đằng này, làm ngược với tư duy thông thường, từ năm 1981 đến nay, nội dung cuốn sách đã bị chia nhỏ thành nhiều phần cho nhiều người biên soạn lại, và nhóm nọ không biết nhóm kia. Kết quả, giá trị cơ bản bị hạ thấp, như định lý Talét bị đưa xuống phần Bài tập (Văn Như Cương-chủ biên, Trần Đức Huy, Nguyễn Mộng Hy; Hình lớp 11, NXBGD năm 2000, trang 37 bài tập 6), thứ tự bị xáo trộn, có khi làm phần nọ vênh với phần kia đến 2 lớp, như định lý Pitago được đưa vào SGK lớp 7 nhưng phép khai căn và số vô tỷ lại ở SGK lớp 9, mặc dù hai phần này có "mối quan hệ hữu cơ" trong nhận thức để dạy và học. [Phan Đức Chính (Tổng chủ biên) Tôn Thân (Chủ biên), Vũ Hữu Bình, Phạm Gia Đức, Trần Luận, Toán 7, Định lý Pitago trang 129. NXBGD (2006); Phan Đức Chính (Tổng chủ biên) Tôn Thân (Chủ biên), Vũ Hữu Bình –Trần Phương Dung– Ngô Hữu Dũng, Lê Văn Hồng –Nguyễn Hữu Thảo, tập 1, Toán 9, Căn bậc hai, trang 4, NXBGD, 2005]. Vô tình, sản phẩm trí tuệ của nhân loại bị đảo lộn. Việc cắt khúc chương trình và cuốn chiếu khi triển khai là nguyên nhân sâu xa, mà 25 năm qua CT-SGK chuẩn chưa hề có. Lãng phí tiền bạc còn có thể tính được, nhưng kiến thức không chuẩn của các thế hệ học sinh, thưa ông Cương cái giá phải trả là không hề nhỏ. Nước láng giềng, được di huấn lại, sai trong giáo dục là có tội với lịch sử và hỏng một việc lớn của Quốc gia.
Cũng phải nói thêm rằng, đến cuối thế kỷ 19, “Cơ sở” của Euclid đã có 15 quyển, chứ không phải là 13 quyển, như ông tuyên bố một cách quá tự tin ấy đâu.

2. Ông Cương quá chủ quan, khi ông khoe “không xin để viết SGK, cũng không tự ứng cử để được làm tác giả” và rồi sau ông nhấn mạnh, “nếu tôi làm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì tôi không mời ông Hãn viết SGK, còn nếu ông Hãn làm Bộ trưởng thì ngay lập tức tôi không viết SGK nữa” cũng là một kiểu suy diễn ở trên trời, để phỉ báng người khác! Xin nhắc lại để ông Cương nhớ rằng, cuốn hình học lớp 7 do ông biên soạn, đã gây ra sự cố vào đầu năm học 1987: Sách của ông đã không dùng được phải bỏ đi. Để chữa cháy Bộ Giáo dục phải lấy một bản thảo khác, Hình học lớp 7 của ông Phạm Gia Cốc, mặc dù lúc đó đang làm chuyên gia ở nước ngoài, in ngay sử dụng để thay thế vào cuốn sách của ông? Cuốn hình học lớp 11 năm 2000 đã kể ở trên, tôi ngờ là cộng sự của ông Cương làm, tuy ông là chủ biên, nhưng không chịu đọc kỹ, vì thế mới xảy ra sai sót nghiêm trọng mà bất cứ một SV đại học bình thường nào cũng không thể lẫn lộn được, là mang Định lý Talét cho xuống phần bài tập! Còn việc ông kể lể về quá trình kỹ thuật để có được bản in, như sửa “bông" một, “bông” hai,…, với bản “can”, bản sửa…, chúng tôi đã từng làm khi còn là SV. Và thưa ông Cương, khi các ông nêu tiền nhuận bút còn chia cho mấy người làm, thì quả thật tôi không hiểu tại sao, việc biên soạn cuốn sách vài ba trăm trang lại cần đông người đến thế?

3. Việc thẩm định CT-SGK có nhiều cách, nhưng cách đơn giản và hiệu quả nhất là so sánh và đối chiếu. Trong giáo dục trên thế giới tồn tại một mặt bằng chung kiến thức, để HS từ nước này có thể chuyển sang nước khác học vì chương trình giáo dục về cơ bản là giống nhau (sự khác nhau nếu có cũng nhanh chóng được khắc phục). Ủy ban VH-GD-TTN-NĐ của Quốc hội, đã yêu cầu Lãnh đạo Bộ GD-ĐT mang CT-SGK của các nước tiên tiến Anh, Đức, Nga, Mỹ, Pháp để so sánh và đối chiếu với CT-SGK của ta đang sử dụng hiện nay, nhưng hàng năm nay vẫn chưa thấy Bộ GD-ĐT mang sang. Xin lưu ý, tôi cũng đã từng đến thư viện của Viện chiến lược Giáo dục kiểm tra trước khi phát biểu chính thức trên công luận. Sự thật là như vậy, mà ông Cương nói là các tác giả có đủ sách tham khảo, và chụp cho tôi cái tội: "Tôi khó hiểu vì ông Hãn lấy ở đâu cái thông tin sai sự thật như thế? hay là chính ông bịa ra đặt ra? Như vậy không khoa học và không trung thực". Kiểm chứng việc này chẳng khó khăn gì, các cơ quan chức năng đều cụ thể ai cũng có thể gặp! Nhân đây cũng nhờ ông Cương cùng lãnh đạo Bộ GD- ĐT, chuyển CT-SGK chuẩn của nước kể trên, cho các nhà khoa học, nhà giáo sẽ giúp Nhà nước đánh giá CT-SGK hiện nay theo cách so sánh đối chiếu, trong một tháng sẽ có kết luận chuẩn xác. Theo số liệu của Bộ, việc thẩm định CT-SGK hiện nay, đã huy động ba cơ quan Trung ương, một trường đại học khoảng 500 cán bộ TƯ, 2883 cán bộ các cấp quản lý của 14 tỉnh thành, 6630 phụ huynh, học sinh và các chuyên gia nước ngoài hàng trăm cuộc họp từ địa phương đến TƯ trong vài năm nay, mà vẫn chưa xong!

4. Qua cách trình bày, tôi thấy ông tỏ ra khá thông hiểu cách tính toán tiền lãi thay sách mà tôi đã phát biểu nhiều lần. Không rõ ông Cương không hiểu hay cố tình không hiểu, vì sao doanh thu năm đó là 100 triệu, mà tiền lãi cho việc thay sách môn tiếng Việt, NXBGD có thể thu là 1 triệu USD (con số lãi NXBGD là 190 triệu USD, do ông suy diễn không chuẩn!). Đó không phải là nghịch lý đâu, ông Cương sẽ hiểu được điều này nếu ông hiểu được tính chất của hàm delta do Dirac đưa ra 80 năm về trước. Một tổng vẫn có thể là hữu hạn cho dù trong khoảng đó vẫn tồn tại một giá trị cực lớn, thậm chí vô cùng lớn? Trong số trên 200 triệu bản sách của NXBGD phát hành, lãi thay sách cho một môn học có thể đạt 1 triệu USD, được xem như là một ví dụ hợp lý dựa trên cơ sở khoa học. Để hình dung ra bản chất, tôi có thể lấy một ví dụ dễ hiểu hơn: Nếu ta lấy một cái kim đặt lên trên tờ giấy, chỉ cần ấn nhẹ vào cái kim, nó đã dễ dàng xuyên thủng tờ giấy đó. Rõ ràng, so với các điểm xung quanh, tại điểm của mũi kim giá trị xung lực rất lớn. Nếu biểu diễn bằng đồ thị, tại đó sẽ là một cái đỉnh rất cao nhưng mảnh về bề rộng. Tổng áp lực vào tờ giấy là nhỏ và hữu hạn, chỉ bằng lực ấn nhẹ của tay ta.

5. Căn cứ vào kinh nghiệm các thế hệ đi trước, các bộ CT-SGK sẵn có trong ngoài nước, một lần nữa xin khẳng định rằng: chương trình và SGK chuẩn sẽ được hoàn thành trong vài tháng để sang năm thay đồng loạt từ lớp 1 đến lớp 12. Giải pháp này tôi đã được trình bày hai lần tại Hội đồng Quốc gia Giáo dục do Thủ tướng làm Chủ tịch. Lần thứ nhất vào ngày 29/12/1999, cả Hội đồng chăm chú ngồi nghe, lần thứ hai ngày 28/3/2003, đại bộ phận thành viên ủng hộ, không ai phản đối, nhưng rất tiếc không ai quyết việc này. Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý. Cách làm tập trung, triển khai đồng bộ trong toàn hệ thống trong giải pháp của chúng tôi, đã được thực tiễn khẳng định thành công ba lần vào các năm 1945, 1955 và 1975 ở nước ta.
* ĐHQG Hà Nội

Ông Nguyễn Xuân Hãn trả lời báo Văn nghệ trẻ
Tiêu cực lãng phí trong ngành giáo dục có mặt trong rất nhiều lĩnh vực, từ việc làm chương trình và biên soạn SGK, thiết bị đồ dùng dạy học, chạy trường, kiểm tra, thi tốt nghiệp, chuyển cấp, kể cả thi đại học…. Đây là tiêu cực trở thành hệ thống trong ngành giáo dục từ nhiều năm nay. Tôi ủng hộ tư tưởng hành động thiết thực của Thủ tướng về Chỉ thị thanh tra về in ấn SGK tại NXBGD , thanh tra về thiết bị giáo dục và Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân về 5 vấn đề tiêu cực ( tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích, phương pháp dạy và học, đời sống GV, sách giáo dục và thiết bị), 4 lãng phí ( lãng phí sức lực học sinh, sức lực tiền bạc phục huynh, công lao thầy cô, và lãng phí chung cho xã hội) và 3 suy thoái (suy thoái đạo đức HS, thầy cô, và góp phần suy thoái xã hội) nhằm chấn hưng giáo dục, tuyên chiến với những căn bệnh cố hữu trong ngành. Tôi ủng hộ những việc làm thiết thực của Thủ tướng và Bộ trưởng vì một nền giáo dục trong sạch phát triển đúng hướng theo cương lĩnh đổi mới của Đảng và tử tưởng Hồ Chí Minh..

Gần đây một số Báo của Bộ GD-ĐT: có đăng bài của Ông Nguyễn Khắc Phi liên quan đến tôi. Việc tranh luận trên các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề xã hội là một việc làm bình thường. Là tác giả nhiều bài báo được đăng trên tờ Văn Nghệ trẻ. Kính mong Ban biên tập xem đăng ý kiến của tôi, đã được bổ xung và làm rõ nhiều vấn đề nóng bong hiện nay, so với báo Gia đình & Xã hội 174 (1045) ngày 31-10-2006 để bạn đọc thường xuyên của Báo Văn Nghệ trẻ khỏi bị nhiễu thông tin.
Kính chúc Ban biên tập khoẻ mạnh thành đạt, vì một nền giáo dục lành mạnh

Kính thư
Nguyễn Xuân Hãn

Giáo dục và Thời đại, Số 129, 28-10- 2006 , Thế Giới Mới-Số 710, thứ hai ,ngày 6-11-2006.
Lưu ý, báo Gia đình & Xã hội 174 (1045) ngày 31-10-2006 (Ban biên tập đã đăng lại bài trả lời của tôi)

Ông Nguyễn Khắc Phi có “Thư ngỏ gửi GS TSKH Nguyễn Xuân Hãn” đăng ở báo ngành GD-ĐT xoay quanh việc biên soạn chương trình và SGK. Ngày 28-10-2006 và 30-10-2006, theo lời mời, trên chương trình “Sự kiện và bình luận” của Đài truyền hình TƯ, tôi cũng đã giải thích trực tiếp , vì lý do sâu xa nào mà mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhiều giải pháp được thực thi, nhưng đến nay chương trình và SGK chuẩn ở nước ta vẫn chưa hề có ? Đúng sai trong những vấn đề tôi đã phát biểu, xã hội sẽ xem xét và đánh giá.

Phản ứng của ông Nguyễn Khắc Phi về biên soạn in ấn và phát hành SGK cũng không bất ngờ . Dù sao cũng xin cám ơn ông về bức thư ngỏ đã đăng chủ yếu của báo ngành . Để khỏi nhiễu thông tin, tôi cũng xin có đôi lời đáp lại ông, vì mục đích chung là chương trình và SGK chuẩn để sớm ổn định hoạt động giáo dục.

1. Một bài phỏng vấn, ai cũng biết là ý tứ của người trả lời, còn hành văn và trình bầy là của người phỏng vấn. Việc phê bình tôi chuyện “sử dụng lẫn lộn thuật ngữ, khái niệm”, chỉ dựa trên văn bản bài phỏng vấn, liệu có đúng địa chỉ? Việc cóp nhặt, lắp ghép, tuỳ tiện nội dung từ nhiều bài phỏng vấn khác nhau để viết thành bài, rồi mang sang tờ báo khác đăng, khi bạn đọc không có trong tay đầy đủ các bài phỏng vấn nguồn? Liệu cách làm này có đúng Luật và đứng đắn? Là người nghiên cứu khoa học, hành văn của tôi chân phương, chuẩn xác, chứ chưa hẳn đã hay bằng “các thủ thuật nghệ thuật cần thiết”, mà ông đã muốn “khoe” là điêu luyện và để dạy người. Nhưng, xin thưa với ông Phi, đến nay tôi cũng chưa bị bất cứ ai bảo tôi là người “đạo văn” bao giờ. Một thực tế hiển nhiên là người dân rất bức xúc về chuyện giáo dục, do đó những vấn đề nổi cộm đó PV hay hỏi tôi giải pháp sẽ phải như thế nào? Vấn đề giáo dục, chỉ xét từ khía cạnh khoa học, đã bao giờ những người có trách nhiệm trong ngành tự hỏi: những vấn đề này nước ngoài hay thế hệ cha anh đã giải quyết thế nào? Tôi đều nhắc nhở họ, hỏi những người có trách nhiệm, được Nhà nước trao trọng trách, hay các trí thức khác uyên bác hơn nhiều.

2. Chuỵện có tờ báo gọi tôi là “người phản biện” ngành giáo dục là việc của họ. Còn tôi được ông Phi gọi là “nhà phủ định” ngành Giáo dục làm tôi thực sự băn khoăn? Một GV bình thường như tôi, liệu có đủ khả năng phủ định hoạt động của ngành Giáo dục do ông Trần Hồng Quân và người kế nhiệm, lãnh đạo giáo dục trong gần 20 năm đổi mới ? Với kiến thức mà Đảng đã đào tạo, với trách nhiệm của một công dân, tôi chỉ đóng góp phần rất nhỏ làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn những bất cập để các cấp có thẩm quyền quyết định. Ví dụ như xoá bỏ Đại học Đại cương trong tổ chức ở các ĐHQG và ĐH vùng (1998); xoá bỏ phân Ban khi Luật Giáo Dục được Quốc hội thông qua ngày 2-12-1998; Khôi phục lại Tổng cục dạy nghề năm 1998 nhằm khắc phục sự mất cân đối nghiêm trọng về cơ cấu nguồn nhân lực “thầy nhiều hơn thợ”; Hay như tách ĐHSP ra khỏi 2 ĐHQG để xây dựng ĐHSP trọng điểm, chấn chỉnh lại 2 ĐHQG năm 2000. Gần đây nhất, trong ba năm liền, đề án tăng học phí do Bộ GD-ĐT trình Chính phủ đều bị bác bỏ cả ba. Lần cuối cùng, ông Nguyễn Minh Hiển đã tuyên bố công khai “bỏ đề án này” tại Quốc hội cuối năm 2005, để SV con nhà nghèo được học. Việc một chương trình chỉ có một bộ SGK chính thức trong toàn quốc, còn các bộ SGK khác được sử dụng như làm tài liệu tham khảo, theo tôi là hợp lý do còn thi cử; Tư duy nhập khẩu “Đại học đẳng cấp Quốc tế”[1] bằng vốn vay nước ngoài 200 triệu USD gần đây, cũng đã được thay đổi hẳn, bằng cách đầu tư nâng cấp các ĐH của nước ta, vươn lên thành những trường ĐH tiến tiến . .

3. Tư liệu về các nhân vật lịch sử thường có rất nhiều, đặc biệt tư liệu về Bác Hồ càng phong phú : tuyển tập tập hợp những bài viết bài nói, hồi ký của những người cùng sống trong ngoài nước, tài liệu của các tổ chức Quốc tế, phía bên mình và phía bên kia. Không có bất cứ một cơ quan nghiên cứu nào hay một nhà khoa học nào có thể khẳng định là đã thu thập đủ tư liệu về Người. Chỉ căn cứ vào CD rom Hồ Chí Minh của NXB Chính trị Quốc gia, mà ông Phi đã chụp cho tôi cái mũ “Các luận cứ không sat hợp, thiếu trung thực, không chính xác”? Thực tế, phân Ban thời Pháp thuộc, vào năm 1950 theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đã bị xoá bỏ để khẳng định sự nguyên tắc giáo dục toàn diện. Năm 1992, sau đó 2002 phân Ban được khôi phục lại, bắt chấp Luật giáo dục, truyền thống giáo dục và thực tiễn nước ta. HS được sử dụng thí điểm-“chuột bạch” cho các phương án phân Ban của Bộ GD-ĐT, suốt 15 năm nay. Khoảng 1 triệu HS phân Ban ở lớp 10 năm nay, đang là nỗi bức xúc của xã hội, thế mà vẫn chưa tìm được lối ra. Xin lưu ý, sau chỉ thị ngày 1-9-1998 xem xét lại chương trình phân Ban, Luật Giáo Dục được Quốc hội thông qua ngày 2-12-1998, phân Ban đã bị xoá bỏ để khẳng định nguyên tắc giáo dục toàn diện. Trong Luật Giáo dục sửa đổi được thông qua tháng 6-2005, có hiệu lực từ 1-1-2006, phân Ban cũng không được đề cập. Việc triển khai phân Ban đại trà, liệu có hợp pháp? Sự nhắc nhở của Đảng phải cảnh giác với “diễn biến hoà bình” hay “tư tưởng” phục thù của thế lực cũ, đi ngược lại các nguyên tắc của giáo dục cách mạng, theo tôi là cần thiết, chứ chưa hẳn đã thừa. Thực tế, phân Ban là cuộc đấu tranh giữa cái mới của cách mạng và cái cũ mà đã bị xoá bỏ khi nước nhà giành được độc lập.

4. Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý. Kể từ 1945 đến nay , việc thiết kế ch­ương trình và chuẩn bị SGK ở bậc phổ thông được tiến hành 5 lần: vào các năm 1945, 1955, 1975 (tạm gọi cách làm I) và 1981, 2002 (cách làm II ). Cách làm I theo tư duy làm tập trung, triển khai đồng bộ, còn cách làm II là du kích “cắt khúc và cuốn chiếu” hay “vừa chạy vừa xếp hàng”.sai đâu sửa đấy. Cơ sở hình học Euclide –chiếm già nửa chương trình toán ở bậc phổ thông, được sử dụng ổn định 2300 năm nay trên thế giới. Cuốn sách này trong giới khoa học được ví là kinh thánh. Nó có 4 điều “chẳng cần” là chẳng cần nghi ngờ, chẳng cần đắn đo suy nghĩ, chẳng cần thử, chẳng cần sửa đổi. Có 4 điều “không được” là muốn thoát ra mà không được, muốn bác bỏ mà không được, muốn giảm bớt mà không được,muốn xáo trộn trước sau mà không được. Einstein đã nói: không nhận thức nắm chắc được hình học Euclide sẽ không thể trở thành nhà khoa học. Từ 1981 đến nay, cuốn Euclide được chia nhỏ theo kiểu “cắt khúc” cho hàng chục người làm. Kết quả, định lý Thales đưa xuống phần Bài tập (Hình lớp 11, NXBGD năm 2000, trang 37 bài tập 6).Cách làm này không phải là khoa học. Vô tình, trí tuệ của nhân loại bị đảo lộn. Cuốn sách này thông thường tại các nước cũng chỉ cần một GS giỏi với một vài cộng sự, biên soạn trong vài tháng là xong. Xin lưu ý, khoa học tự nhiên có nguồn gốc từ văn hoá phương Tây,thật không dễ dàng nhận biết, nếu không vượt khỏi tư duy của văn hoá làng xã là phân tán cát cứ và tuỳ tiện. Việc thẩm định chương trình và SGK ở bậc THCS cũng theo tư duy “cắt khúc” là một ví dụ bất cập khác. Sự tuỳ tiện trong thẩm định CT-SGK ở chỗ chỉ đạo “3 dấu cộng hai dấu trừ” . Điều này có nghĩa, chỉ được nói 3 điều tốt, mới được nói hai điều dở về CT-SGK ở bậc học này? Nhân đây cũng xin khẳng định, nếu kế thừa kinh nghiệm trong ngoài nước, các bộ chương trình và SGK trước 1975 của hai miền Nam Bắc, và thành tựu khoa học mới, chương trình và SGK trong vài tháng sẽ làm xong để sang năm thay đồng loạt từ lớp đến lớp 12 . Thậm chí có thể chấn chỉnh lại giáo dục phổ thông theo chuẩn mực quốc tế, và cũng chưa hẳn đã phải dùng đến 100 tỷ đồng, như đã nói trước đây. .

5. Về con số 100 triệu USD/năm: đây là doanh thu của NXBGD (đã đăng công khai ở Báo Gia đình Xã hội sô 172 (638) ngày 18-11-2004, sau là Chương trình Tiêu điểm –VTV1 ngày 27-9-2005 ). Lãi thay một môn học như tiếng Việt lớp 1, NXBGD có thể thu được là 14 tỷ đồng, xấp xỉ 1 triệu USD vào thời gian đó, chỉ là một ví dụ minh hoạ. Con số 100 triệu USD là tiền lãi của NXBGD, là do ông Phi “sáng tác” ra, chứ đâu phải tôi?. Kiểm chứng việc này chẳng khó khăn gì, nếu tờ báo đăng bài của ông Phi, xin đăng lại bài phỏng vấn, mà ông Phi dùng làm căn cứ trích dẫn, để bạn đọc tiện đối chiếu. Xin lưu ý, môn tiếng Việt lớp 1 có 2 tập. tôi chỉ ước đoán tiền lãi 1 tập, chứ chưa nói là lãi của cả hai tập của môn Tiếng Việt là 2 triệu USD. Giá bìa cuốn sách này hiện là 9800 đ/cuốn, khi tính làm tròn rút đi, là 9000 đ/cuốn. Khác với các nước SGK ở dạng bài tập, mà HS được viết vào, và chỉ sử dụng một lần, là một sáng tạo mới của NXBGD. vừa đi ngược với tư duy sư phạm vừa lã phí bạc của dân. Điều này phụ huynh nào cũng kiểm chứng được, nếu xem giá bìa và tra cứu số lượng HS trong toàn quốc. Việc thanh tra những bất cập trong in ấn, xuất bản SGK tại NXBGD theo yêu cầu của Thủ tướng, sẽ cho biết sự thật.

6. Chương trình và SGK chuẩn ở bậc phổ thông trên thế giới, nước nào cũng làm được, không phân biệt nước phát triển hay các nước chưa và đang phát triển ở các châu Á, Phi, hay Mỹ La Tinh. Một thực tế, HS học lớp 5, sang nước khác , vẫn học được lớp 5? . Tốt nghiệp phổ thông ở nước mình, HS vẫn có thể chuyển đến các nước tiên như Nga, Mỹ, Pháp học đại học? Một mặt bằng chung kiến thức, rõ ràng tồn tại trên phạm vi toàn thế giới? Sự giống và khác nhau về kiến thức được nhận thức như thế nào? Chương trình giáo dục của ta, nặng hơn so với mặt bằng chung từ 1 đến 3 năm. Ngôn ngữ trình bầy trong SGK trìu tượng,không liền mạch, khó dạy khó học, thật bất lợi cho HS và GV. Việc dạy thêm học thêm tràn lan là điều dễ hiểu, do không ít phụ huynh là kỹ sư, bác sĩ, cũng không hiểu được chương trình giáo dục hiện nay, để dạy con. Dân tộc Việt Nam, được thế giới ca ngợi là một dân tộc thông minh, một dân tộc của một nước nhỏ, mà đã đánh thắng nhiều đế quốc lớn. Ông đã từng được Nhà nước trao trọng trách là Phó Giám đốc, kiêm Tổng biên tập NXBGD, và đã tham gia thiết kế chương trình và biên soạn SGK trong nhiều năm và có đóng góp cho giáo dục nước nhà. Song, có điều tôi thấy thật khó hiểu. Tại sao 25 năm qua, mặc dù đã được đầu tư hàng tỷ USD, nhiều cố gắng, nhiều biện pháp được thực thi, nhưng đến nay không có bất cứ người có trách nhiệm nào trả lời được Quốc hội và dân: chương trình và SGK chuẩn bao giờ làm xong để ổn định giáo dục phổ thông? Chẳng lẽ trí tuệ của một dân tộc anh hùng khi chống giặc ngoại xâm, nhưng lại thua kém các nước khác trong thời bình? Lãng phí tiền bạc còn có thể tính được, nhưng kiến thức không chuẩn của 25 thế hệ HS so với mặt bằng thế giới, thì cái giá phải trả là không nhỏ. Nước láng giềng, được di huấn lại, sai trong giáo dục là có tội với lịch sử và hỏng một việc lớn của Quốc gia. Thiết nghĩ rằng: ông Phi có thể giải thích rõ cho dân hiểu, lý do nào khiến các ông – những người được đào tạo nghiêm chỉnh dưới chế độ mới, nhưng lại chưa làm được những việc mà lớp trí thức cha anh trước đây, như GS Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Chiển, Hoàng Tụy, Lê Trí Viễn, Lê Hải Châu đã làm, khi đất nước còn nghèo, chiến tranh và chẳng có dự án vay nước ngoài nào? Và bao giờ các ông có thể trả lời câu hỏi: Làm thế nào để giáo dục và đào tạo thực sự trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy CNH&HĐH, hội nhập khu vực và Quốc tế, đúng như mong đợi của chính phủ và toàn dân?
——————————————————————————–
[1] Tại cuộc họp Hội đồng Quốc gia giáo dục mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cú ý kiến rằng "trước mắt xây dựng hai Đại học Quốc gia thành đại học đẳng cấp quốc tế", báo Nhân Dân điện tử ngày 12-7 và một số báo chí đó trích dẫn ý kiến này.
Nguồn mạng EDU-NET

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *