Thẩm phán TQ vào Tòa Quốc tế về Luật biển

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2011/06/110617_china_judge_itlos.shtml

Thẩm phán Cao Chi Quốc người Trung Quốc vừa tái đắc cử chức thẩm phán tại Tòa án Quốc tế về Luật biển (International Tribunal for the Law of the Sea – Itlos). …


Itlos là cơ quan độc lập được thiết lập bởi Công ước Liên hiệp Quốc về Luật biển (Unclos) nhằm phân xử các tranh chấp xung quanh việc thực hiện công ước.

Hãng thông tấn Tân Hoa Xã cho hay ông Cao vừa được bầu chọn với số phiếu áp đảo tại hội nghị lần thứ 21 các quốc gia tham gia Unclos đang họp từ 13/06-17/06 tại New York.

Ông Cao, 56 tuổi, nhận 141/149 phiếu trong vòng bỏ phiếu kín, vượt quá yêu cầu hai phần ba để tái đắc cử.

Hiện ông là Giám đốc điều hành Viện Hàng hải thuộc Cục Quản lý Hải dương Nhà nước Trung Quốc và có bằng tiến sỹ về luật.

Ông đã được bầu chọn làm thẩm phán Itlos từ 30/01/2008 để tiếp tục công việc của người tiền nhiệm cũng là một thẩm phán Trung Quốc.

Nhiệm kỳ mới của ông Cao sẽ là chín năm.

Trong cuộc phỏng vấn ngay sau khi tái đắc cử, ông Cao nói thành công của ông là nhờ sự giúp đỡ và nỗ lực của chính phủ Trung Quốc.

Ông nói với các nhà báo: "Tôi có một người ủng hộ mạnh mẽ phía sau – đó là Tổ quốc Trung Hoa của tôi, một quốc gia đang lên và có trách nhiệm".

"Không có sự hỗ trợ của Trung Quốc thì tôi không thể nào thắng cử."

Itlos có 21 thành viên, trong đó có 19 thẩm phán, với 5 vị thuộc khu vực Á châu là từ các quốc gia: Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, Nga và Ấn Độ.

Việt Nam chưa bao giờ đặt chân được vào tổ chức này, nhưng Trung Quốc trước ông Cao đã có hai vị ngồi ghế thẩm phán Itlos.

Công bằng và không thiên vị

Ông Cao tuyên thệ sẽ làm tròn bổn phận một cách "công bằng và không thiên vị".

Trung Quốc, với tư cách là nước lớn, có mặt tại hầu hết các thể chế luật pháp và tổ chức quốc tế; và thường có tiếng nói trọng lượng.

Nước này là một trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ với quyền phủ quyết.

Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 được cho như hệ thống pháp lý toàn diện về biển và đại dương trên thế giới, với các quy định về khai thác biển và nguồn lợi biển.

Hiện có 162 quốc gia, trong có Việt Nam, tham gia Unclos.

Tòa án Quốc tế Luật biển được lập ra tại Hamburg, Đức, vào năm 1994.

Trong bối cảnh gia tăng căng thẳng tại Biển Đông, hiện đang có kêu gọi rằng Việt Nam phải mang các vấn đề nảy sinh ra giải quyết theo luật pháp quốc tế, và trước Tòa án Quốc tế về Luật biển.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *