Sờ ngực có là hiếp dâm?

Có ý kiến nói có dấu hiệu phạm tội hiếp dâm nhưng chưa đạt, có ý kiến bảo chỉ có thể xử lý về tội dâm ô với trẻ em. Có dấu hiệu tội phạm nhưng tính chất không nguy hiểm cho xã hội nên không cần thiết phải khởi tố vụ án. …

Theo hồ sơ, do thường qua lại, quen biết nhau, trưa 1-5, N. vào nhà em V. (ở TP.HCM) xin nước uống. Thấy em ở một mình, N. nảy sinh ý định muốn giao cấu với em. Quay ra được một lúc, N. trở lại, ôm chặt lấy em V. đẩy vào phòng ngủ. Nạn nhân đạp vào cửa phòng gây ra tiếng động lớn khiến N. sợ bị phát hiện nên vội bỏ ra ngoài.

Bị chống cự nên ngưng

Sau đó, N. tiếp tục quay lại, kéo nạn nhân vào phòng. Khi em V. tri hô, N. bịt miệng lại, dùng hai đầu gối kẹp chân nạn nhân và sờ ngực. Nạn nhân vùng vẫy, đạp N. ngã ngửa. Sợ mọi người nhìn thấy, N. lại bỏ đi…

Tại cơ quan điều tra, N. khai nhận toàn bộ hành vi. Do nạn nhân chưa đủ 13 tuổi, cơ quan điều tra đề nghị VKS phê chuẩn quyết định khởi tố N. về tội hiếp dâm trẻ em.

Tiếp nhận hồ sơ, VKS đã trao đổi với cơ quan điều tra theo hướng không khởi tố vụ án. Theo viện, tuy ý thức của N. muốn hiếp dâm nhưng khi tấn công, N. chỉ sờ vào ngực nạn nhân từ bên ngoài áo. Do đó, N. không phạm tội hiếp dâm trẻ em.

Tuy nhiên, sau nhiều lần trao đổi, cuối cùng viện cũng thống nhất với cơ quan điều tra là N. có dấu hiệu phạm tội hiếp dâm trẻ em nên đã phê chuẩn quyết định khởi tố.

Chưa giao cấu nên thoát tội?

Quanh hành vi của N. đã có nhiều ý kiến trái chiều. Một luồng ý kiến cho rằng tội hiếp dâm có cấu thành hình thức, không đòi hỏi hậu quả xảy ra. Tội phạm hoàn thành khi chủ thể chỉ cần dùng vũ lực (bắt, vật, lột quần nạn nhân) hoặc đe dọa dùng vũ lực để ép người khác quan hệ tình dục trái ý muốn là đã cấu thành tội phạm. Trừ khi chủ thể tự ý nửa chừng chấm dứt hành vi phạm tội thì có thể chuyển đổi sang xử lý tội danh khác hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. ThS Trần Quốc Nam (VKSND huyện Gò Công Tây, Tiền Giang) nhận định thêm, hành vi của N. đã đủ yếu tố cấu thành tội hiếp dâm trẻ em nhưng thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt. Bởi ngay từ đầu N. đã có ý thức muốn giao cấu. Để đạt được mục đích, N. hai lần dùng vũ lực với nạn nhân. N. không thực hiện được đến cùng là do sợ bị phát hiện (lần thứ nhất) và bị V. chống cự lại (lần thứ hai).

Một luồng ý kiến khác lại cho rằng hậu quả đến đâu xử lý đến đó. Khi nạn nhân tri hô, chống cự, N. bỏ đi vì sợ bị phát hiện, bắt giữ. Hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác. Phân tích, một kiểm sát viên VKSND TP.HCM cho rằng ý thức chủ quan của bị cáo là mong muốn giao cấu nên đã tấn công nạn nhân nhằm đạt được mục đích. Tuy mục đích như vậy, hành vi như vậy nhưng cũng phải đánh giá hành vi này có nguy hiểm cho xã hội không; mức độ, hậu quả có nguy hiểm cho xã hội không. Ở đây có dấu hiệu tội phạm nhưng tính chất không nguy hiểm cho xã hội nên không cần thiết phải khởi tố vụ án…

Phạm tội dâm ô với trẻ em

Theo tôi, hành vi của N. có dấu hiệu của tội dâm ô với trẻ em. Cấu thành tội phạm của tội này là người thành niên có hành vi dâm ô (không có hành vi giao cấu), có hành vi tác động trực tiếp như sờ soạng khắp người nạn nhân. Trong trường hợp này, chưa xảy ra việc giao cấu. Ý thức chủ quan của N. là lúc nào cũng sợ người ta biết nên đều nửa chừng tự động ngưng. Hành vi phạm tội của N. không mang tính quyết liệt. Nếu xác định là N. có hành vi hiếp dâm thì phải có hành động lột quần hoặc có quan hệ tình dục… N. mới sờ vào ngực em V. từ bên ngoài áo nên chỉ có hành vi dâm ô…

Luật sư ĐẶNG TRƯỜNG THANH (Đoàn Luật sư TP.HCM)

PHƯƠNG LOAN – NGÂN NGA

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *