http://phapluatxahoi.vn/20110701073437715p1005c1027/mot-cong-ty-co-hai-ba-giam-doc.htm
…ông Ngô Văn Thẳng, Chủ tịch HĐQT vẫn ký quyết định bổ nhiệm bà Đặng Thị Hồng Hải làm giám đốc mới của Cty, trong khi không ra quyết định bãi nhiệm giám đốc đương nhiệm (bà Len). Vậy là Cty CP CNP Hải Phòng rơi vào cảnh có đến hai giám đốc cùng lúc… …
Câu hỏi được đặt ra là, trong trường hợp trên, nhà báo nói đúng hay nói sai (một cty có 2 giám đốc) và nếu nói đúng thì điều đó có thực sự tồn tại được hay không?
Ngày 17-6-2011, CA TP Hải Phòng có thông báo trả lời đơn tố cáo tới ông Ngô Văn Thẳng – Chủ tịch HĐQT Cty CP Công nghệ phẩm (CNP) Hải Phòng.
Nội dung thông báo cho biết, những tố cáo quan trọng nhất trong đơn mà ông đại diện đã được xác minh là không đúng.
Thay “tướng” sai luật?
Ngày 22-1-2011, HĐQT nhiệm kỳ 2010 – 2015 Cty CP CNP Hải Phòng nhóm họp về giám đốc đương nhiệm được bầu trực tiếp tại đại hội cổ đông 15 ngày trước đó là bà Nguyễn Thị Tuyết Len.
Cuộc họp diễn ra trong bầu không khí căng thẳng. HĐQT họp trong phòng khóa chặt. Ngoài cửa, người lao động tập trung quyết liệt phản đối cuộc họp. Có lẽ vì thế mà HĐQT không thể “phế truất” được giám đốc đương nhiệm?
Hai ngày sau đó, ông Ngô Văn Thẳng, Chủ tịch HĐQT vẫn ký quyết định bổ nhiệm bà Đặng Thị Hồng Hải làm giám đốc mới của Cty, trong khi không ra quyết định bãi nhiệm giám đốc đương nhiệm (bà Len). Vậy là Cty CP CNP Hải Phòng rơi vào cảnh có đến hai giám đốc cùng lúc.
Luật Doanh nghiệp và điểm i, Điều 21, Điều lệ Cty CP CNP Hải Phòng đều quy định: HĐQT có quyền bổ nhiệm, bãi miễn giám đốc, nhưng phải vì lợi ích tối cao của Cty. HĐQT hiểu rõ điều ấy, thế nên họ cố chứng minh bà Len làm thiệt hại tới Cty. Nhưng ở nỗ lực này, HĐQT cũng lại sai nốt.
Lần thứ nhất bà Len bị bãi nhiệm vào ngày 14-9-2010 vì lý do bà Len sử dụng sai tiền đền bù của Cty và không đồng tình với việc HĐQT sử dụng tiền đền bù để chia cổ tức. Nhưng tới ngày 12-11-2010, Ban Kiểm soát kết luận bà Len đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Do vậy đến 17-12-2010, HĐQT ký quyết định khôi phục chức giám đốc cho bà Len.
12 ngày sau, ngày 29-12-2010, Đại hội cổ đông thường niên Cty CP CNP Hải Phòng bỏ phiếu 100% bầu bà Len là giám đốc, đại diện trước pháp luật. Bà Len cam kết với người lao động và HĐQT (mới bầu), rằng: “HĐQT đoàn kết vì lợi ích tối cao của Cty”.
Liên tục trong các ngày 15-2, 9-3-2011, các thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát Cty CP CNP Hải Phòng gửi đơn tố cáo bà Len chiếm đoạt con dấu và ĐKKD Cty, đồng thời gây cản trở, lợi dụng chức vụ quyền hạn để vi phạm pháp luật… Ngày 18-5-2011, con trai và con gái bà Đặng Thị Hồng Hải, Ủy viên HĐQT mới, giám đốc mới do ông Thẳng bổ nhiệm xông vào chiếm phòng giám đốc Cty và xô xát làm bà Len đi viện vì trật khớp tay. Tới ngày 20-5 và 25-5-2011, bà Hải lại ký đơn tiếp tục tố cáo bà Len.
Nhưng xác minh của cơ quan CA bộc lộ sự thực khác. Thông báo 673/TB-PC46 ngày 17-6-2011 của CA TP Hải Phòng khẳng định: Nội dung tố cáo bà Len của các thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát Cty CP CNP Hải Phòng là không đúng. Điều ấy có nghĩa việc HĐQT cách chức bà Len là sai, và quyết định bổ nhiệm bà Hải cũng là sai nốt. Vì nó không đại diện cho quyền lợi tối cao của Cty, mà chỉ là hành động (sai luật) của HĐQT?
“Cặp đôi hoàn hảo”
Ở góc độ “chơi” cổ phần, đặc biệt là cổ phần của các Cty nguồn gốc từ doanh nghiệp (DN) Nhà nước, ông Thẳng và bà Hải là “cặp đôi hoàn hảo”. Tại Cty CP CNP Hải Phòng, vừa đắc cử Chủ tịch HĐQT, ông Thẳng bổ nhiệm bà Hải làm giám đốc Cty để phụ tá cho mình. Còn tại Cty CP Cung ứng tàu biển Hải Phòng, một Cty CP từ DN Nhà nước khác thì bà Hải là Chủ tịch HĐQT, ông Thẳng là Tổng Giám đốc, phụ tá cho bà Hải. (PL&XH đã có hai kỳ phản ánh về những sự việc bùng nhùng xung quanh việc CPH tại Cty này- PV)
Sự có mặt của ông Thẳng và bà Hải tại hai Cty này có điểm giống nhau. Tại Cty CP Cung ứng tàu biển Hải Phòng, chia cổ tức chỉ đạt 2%/năm nhưng chỉ trong thời gian ngắn, ông Thẳng và bà Hải đã 3 lần là bị đơn trong các vụ kiện lao động và kinh tế của người lao động, cổ đông. Cả 3 lần họ đều thua kiện.
Phải chăng ông Thẳng và bà Hải không quan tâm tới những kỹ năng quản trị DN, cái họ quan tâm là bằng mọi cách nắm tỷ lệ chi phối hơn tại DN có vốn điều lệ thấp, nhưng giá trị tài sản lớn, Cty CPH từ Cty Nhà nước là DN đáp ứng tốt nhất “tiêu chuẩn” này của họ? Điều đó lý giải tại sao họ có cổ phần lớn, thậm chí “thôn tính” được khá nhiều DN cổ phần từ DN Nhà nước tại Hải Phòng. Chẳng hạn như Cty CP Hóa phẩm Sông Cấm, Cty CP Thương mại du lịch Duyên Hải, Cty CP Du lịch khách sạn Bạch Đằng…?
Tại các DN này, hiệu quả kinh doanh được nâng lên nhờ sự có mặt của các “đại cổ đông” là khiêm tốn, nhưng bất ổn và lục đục nội bộ thì có thừa. “Họ không là nhà đầu tư, mà họ chỉ đầu cơ cổ phiếu. DN có lục đục thì giá cổ phần mới được duy trì ở mức… thấp. Nhờ thế mà họ dễ thôn tính hơn, trước khi bán DN và người lao động cho chủ khác”, một cổ đông nhận định.
Pháp luật của ta khuyến khích, ưu đãi các nhà đầu tư, nhưng lại thiếu các chế tài ngăn chặn và xử lý các hành vi đầu cơ cổ phiếu, cổ phần. Đặc biệt là với các DN chưa niêm yết trên sàn chứng khoán. Lỗ hổng này đã được một số người khai thác triệt để, thông qua các vụ thôn tính, phá tan sự ổn định của DN như nêu ở trên.
Khi thiếu chế tài ngăn chặn và xử lý đầu cơ cổ phần, thì khó có hi vọng nâng cao hiệu quả quản lý, đổi mới DN Nhà nước. Và mục đích giao DN cho người lao động mà Nhà nước đặt ra khi cổ phần hóa DN của mình có lẽ còn lâu mới có ở những nơi này. Lợi ích tối cao của Cty không phải là phát triển tốt và đóng góp nhiều hơn cho xã hội, lợi ích ấy đang được “hiểu” như là lợi ích của các nhà đầu cơ?
Q.Dũng – H.Sơn